Đặc điểm tự nhiên và Nguồn tài nguyên thiên nhiên Bà Nà

Địa hình và địa thế

Bà Nà là một vùng núi cao, đỉnh cao nhất là Núi Chúa cao 1487m, rặng núi Bà Nà hay còn gọi là rặng núi Lỗ Đông, bản đồ địa lý thủy văn của người Anh gọi là “Đỉnh Tròn”, nằm hơi chếch về phía Tây Nam của thành phố Đà Nẵng. Địa hình nơi đây rất phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các hệ thống sông suối chằng chịt, Núi Bà Nà cũng là thượng nguồn của 3 hệ thống sông chính: sông Túy Loan, sông Lỗ Đông, sông Vàng. Phía Tây sườn dốc đứng, phía Đông Nam và Đông Bắc thấp dần, phần tiếp giáp có địa hình đồi núi thấp vây quanh. Với độ cao trung bình hơn 800m, độ dốc 25o đến 35o, tất cả đã tạo nên một cảnh quan đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa.

Thời tiết và khí hậu

Một trong những lý do khiến người Pháp chọn Bà Nà xây dựng thành một khu nghỉ mát vì nơi đây có khí hậu được đánh giá là mùa xuân của nước Pháp. Giữa cái nóng oi bức của thành phố Đà Nẵng lên đến 37oC vào mùa hè thì nhiệt độ ở Bà Nà chỉ trung bình khoảng 18oC, nhiệt độ thấp nhất là 2oC vào mùa Đông và cao nhất là 25oC vào mùa Hè. Biên độ nhiệt ngày đêm là 5,3oC.

Độ ẩm trung bình ở Bà Nà lên đến 93% nên thường có sương mù xuất hiện vào buổi chiều và sau các cơn mưa giông tạo nên một cảm giác mát mẻ tuyệt vời.

Khu vực đỉnh Bà Nà một năm có hai mùa rõ rệt: Mùa mưa kéo dài từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau, thường có gió mùa Đông bắc hoặc Tây Bắc, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, thường có gió mùa Đông Nam, khô ráo. Lượng mưa trung bình là 5.185mm/năm. Những cơn mưa ở Bà Nà thường diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó bầu trời thoáng đãng, những làn mây trắng đọng lại ở lưng chừng sườn núi tạo nên một cảm giác bồng bềnh, kì diệu.

Bà Nà nằm gần sát biển nên có gió biển thổi nhẹ êm dịu, phần lớn mùa hè thường có gió mùa Tây Nam, còn gọi là gió Lào, ở đồng bằng thì rất hanh nóng, khó chịu nhưng ở độ cao này luôn mát lạnh và ôn hòa.

Một ngày ở Bà Nà luôn có 4 mùa, sang mùa xuân êm dịu, trưa là mùa hạ chói chang, mùa thu vào buổi chiều khi màn đêm buông xuống và sương mùa kéo về và mùa đông se lạnh vào ban đêm. Khí hậu mát mẻ quanh năm ở Bà Nà là một trong lý do khiến địa danh này có sức hút kì diệu đối với du khách.

Địa chất và thổ nhưỡng

Bà Nà là rặng núi nổi bật, quan trọng nhất thuộc dãy Trường Sơn và những dãy núi ngang (Hoành Sơn) nằm ở địa thế ven biển. Bà Nà và dãy núi Hải Vân là một sống đá hoa cương chạy từ Lào men sang biên giới phía Nam Thừa Thiên ra thẳng đến vịnh Đà Nẵng, vì vậy, cả khối núi Bà Nà là nham thạch biến tích có độ tuổi khá cao (200 triệu năm) đã từng phân hóa. Cấu tạo địa chất gồm đất sét, thạch anh, lớp đất feralit mùn vàng phủ ở trên tuy không dày nhưng cũng đủ cho thảm thực vật rừng phát triển, là điều kiện tạo nên tính đa dạng sinh học cho Bà Nà.

Hệ động vật

Bà Nà có những giá trị sinh thái và du lịch to lớn, có thể so sánh với thành phần rừng quốc gia Bạch Mã. Càng lên cao, nhiệt độ càng giảm và độ ẩm càng tăng.

Hệ động vật: 256 loài động vật có xương sống (61 loài thú, 178 loài chim và 17 loài bò sát)

Đặc trưng cho hệ động vật Nam Trường Sơn với các loài Hươu vàng, cheo cheo, chồn dơi, sói vàng, trĩ sao, gà lôi long tía, khỉ đuôi dài, trăn dây... Đặc trưng cho hệ động vật Bắc Trường Sơn là gà tiền mặt vàng, gà lôi lam màu trắng, trút, vượn má hung, gấu đen châu Á… Đặc biệt ở Bà Nà có 44 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam, trong đó có 23 loài thú, 12 loài chim và 9 loài bò sát. Tiêu biểu là hổ, báo, nai, hoẵng, sóc bay, chà vá chân nâu, vượn má hung, chó sói, gấu chó…

Phong phú hơn nữa trong hệ động vật ở Bà Nà là các loài bướm, côn trùng chủ yếu sinh sản vào tháng 4. Đến Bà Nà vào mùa hè, bạn sẽ được chiêm ngưỡng bản nhạc rừng độc đáo của các tiếng ve gọi hè, tiếng hót của chim chóc, và tiếng hú xa xa của bầy vượn…

Hệ thực vật

Chỉ với một diện tích khá nhỏ (17.641 ha) nhưng theo thống kê, Rừng nguyên sinh Bà Nà có đến 543 loài thực vật bao gồm 4 ngành thực vật bậc cao là Thông đất, Thông, Dương sỉ và Mộc Lan.

Hệ thực vật ở đây phong phú về số lượng loài có giá trị kinh tế, nhưng nghèo về trữ lượng và số lượng cá thể. Đến nay đã thống kê được 74 loài làm thuốc và dược liệu, 41 loài có thể ăn được hoặc làm thức ăn cho người, 15 loài làm cảnh, 134 loài cho gỗ, 5 loài làm thức ăn gia súc, 6 loài làm vật liệu xây dựng, 5 loài làm nguyên liệu cho giấy sợi, 3 loài cho tinh dầu, 3 loài để nhuộm.

Ngoài đa dạng về họ, chi và số lượng cá thể lớn, rừng nguyên sinh Bà Nà cũng có rất nhiều loài quý hiếm được liệt vào sách đỏ Việt Nam như trầm hương, gụ lau, kim giao, hoàng đàn…

Các loài thực vật thân gỗ có nhiều màu sắc thuộc ngành thực vật hạt kín như cây thích ba thùy, chò lào, sồi lá hạnh, chẹo bông, hồng diệp…

Hệ động thực vật Bà Nà không chỉ có tính phong phú, đa dạng cao mà còn hết sức đặc trưng, độc đáo, có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự bảo tồn và phát triển.

Năm 1986, Bà Nà đã được Chính phủ công nhận là khu dự trữ thiên nhiên, đối tượng bảo vệ và là rừng nhiệt đới gồm nhiều loại động, thực vật quý hiếm cần được bảo vệ như trầm hương, gụ lau, sến mật, trĩ sao, gấu đen châu Á, vượn má hung... Bà Nà có nhiều khu rừng nguyên sinh được phân bổ theo các sườn dốc khá hiểm trở.